1. Phương tiện giao thông đường bộ là gì?
Theo quy định, phương tiện giao thông đường bộ là các phương tiện di chuyển, đi lại công khai trên các con đường. Chúng bao gồm toàn bộ các phương tiện như ô tô, xe máy, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô, máy kéo,… Các loại mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy bao gồm cả xe máy điện và các loại xe tương tự khác.
Hiện nay, ở Việt Nam đang có sự phân chia các loại phương tiện nào? Nội dung tiếp theo của bài viết sẽ thông tin tới bạn đọc.
2. Các loại phương tiện giao thông đường bộ hiện nay tại Việt Nam
– Xe cơ giới được quy định bao gồm các loại xe như:
- + Xe gắn máy
- + Mô tô 2 bánh, mô tô 3 bánh
- + Máy kéo, ô tô
- + Rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự.
– Xe thô sơ được quy định bao gồm các loại xe là:
- + Xe đạp
- + Xích lô
- + Xe do súc vật kéo
- + Xe lăn
- + Xe đạp điện và các loại xe tương tự
Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm, để thực hiện tốt nhiệm vụ này thì việc chấp hành pháp luật, quy tắc khi tham gia giao thông phải trở thành ý thức và thói quen của mọi người dân. Dưới đây là một số quy tắc khi tham gia giao thông đường bộ.
3. Quy tắc giao thông của các phương tiện
Khi đăng ký học lái xe bằng lái xe B1, B2 hay C thì đều sẽ được học bộ tài liệu lý thuyết lái xe liên quan đến các quy tắc giao thông này. Tuy nhiên, để hiểu một cách tổng quát nhất thì cần nắm được đầy đủ các quy tắc sau:
Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.
Chấp hành báo hiệu đường bộ
+ Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
+ Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
+ Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.
+ Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
+ Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.
Sử dụng làn đường
+ Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
+ Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
Vượt xe
+ Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
+ Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
+ Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải:
+ Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;
+ Khi xe điện đang chạy giữa đường;
+ Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:
+ Trên cầu hẹp có một làn xe;
+ Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;
+ Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
+ Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;
+ Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
Chuyển hướng xe
+ Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
+ Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
+ Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.
+ Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt,đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.
Lùi xe
+ Khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.
+ Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, đường cao tốc.
Tránh xe đi ngược chiều
Trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều tránh nhau, người điều khiển phải giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình.
Các trường hợp nhường đường khi tránh nhau quy định như sau:
+ Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe kia đi;
+ Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc;
+ Xe nào có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe không có chướng ngại vật đi trước.
+ Xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.
Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ
+ Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
+ Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
+ Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó.
+ Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;
+ Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;
+ Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;
+ Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:
+ Bên trái đường một chiều;
+ Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;
+ Trên cầu, gầm cầu vượt;
+ Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
+ Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường
+ Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 05 mét tính từ mép đường giao nhau;
+ Nơi dừng của xe buýt;
+ Trước cổng và trong phạm vi 05 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;
+ Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;
+ Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
+ Che khuất biển báo hiệu đường bộ.
DỪNG XE, ĐỖ XE
+ Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình;bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.
+ Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện,trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.
Xếp hàng hóa trên phương tiện
+ Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe.
+ Khi xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau xe thì ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn đỏ báo hiệu.
Trường hợp chở người trên xe ô tô chở hàng
+ Chở người đi làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai hoặc thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp; chở cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang nhân dân đi làm nhiệm vụ; chở người bị nạn đi cấp cứu.
+ Chở công nhân duy tu, bảo dưỡng đường bộ; chở người đi thực hành lái xe trên xe tập lái; chở người diễu hành theo đoàn, phải có thùng cố định, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.
Quyền ưu tiên của một số loại xe
+ Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:
+ Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ
+ Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường
+ Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu
+ Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
+ Đoàn xe tang.
* Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Qua phà, qua cầu phao
+ Khi đến bến phà, cầu phao, các xe phải xếp hàng trật tự, đúng nơi quy định, không làm cản trở giao thông.
+ Khi xuống phà, đang ở trên phà và khi lên bến, mọi người phải xuống xe, trừ người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, người bệnh, người già yếu và người khuyết tật.
+ Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải xuống phà trước, xe thô sơ, người đi bộ xuống phà sau; khi lên bến, người đi bộ lên trước, các phương tiện giao thông lên sau theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông.
Nhường đường tại nơi đường giao nhau
+ Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải
+ Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái
+ Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.
Đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt
+ Trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt,phương tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước.
+ Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt chỉ có đèn tín hiệu hoặc chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng hoặc có tiếng chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng ngay lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất; khi đèn tín hiệu đã tắt hoặc tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.
Giao thông trên đường cao tốc
+ Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật này còn phải thực hiện các quy định sau đây:
+ Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc.
+ Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc.
+ Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;
+ Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.
+ Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
+ Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Giao thông trong hầm đường bộ
+ Người điều khiển phương tiện trong hầm đường bộ ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật Giao thông đường bộ còn phải thực hiện các quy định sau đây:
+ Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải bật đèn; xe thô sơ phải bật đèn hoặc có vật phát sáng báo hiệu;
+ Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định.
Xe kéo xe và xe kéo rơ moóc
+ Một xe ô tô chỉ được kéo theo một xe ô tô hoặc xe máy chuyên dùng khác khi xe này không tự chạy được và phải bảo đảm các quy định sau đây:
+ Xe được kéo phải có người điều khiển và hệ thống lái của xe đó phải còn hiệu lực;
+ Việc nối xe kéo với xe được kéo phải bảo đảm chắc chắn, an toàn; trường hợp hệ thống hãm của xe được kéo không còn hiệu lực thì xe kéo nhau phải nối bằng thanh nối cứng;
+ Phía trước của xe kéo và phía sau của xe được kéo phải có biển báo hiệu.
+ Xe kéo rơ moóc phải có tổng trọng lượng lớn hơn tổng trọng lượng của rơ moóc hoặc phải có hệ thống hãm có hiệu lực cho rơ moóc.
Không được thực hiện các hành vi sau đây:
+ Xe kéo rơ moóc, xe kéo sơ mi rơ moóc kéo thêm rơ moóc hoặc xe khác;
+ Chở người trên xe được kéo;
+ Kéo theo xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô.
4. Điều kiện tham gia giao thông đường bộ của các phương tiện
Các phương tiện nếu muốn lưu thông trên đường phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện sau:
- Có đầy đủ hệ thống hãm phanh và chuyển hướng có hiệu lực.
- Bánh xe và lốp xe phải đúng kích cỡ và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật do nhà sản xuất quy định theo từng loại xe.
- Có đầy đủ gương chiếu hậu cũng như các thiết bị khác nhằm đảm bảo tối đa tầm nhìn cho người điều khiến.
- Đáp ứng đầy đủ các điều kiện về: đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng gần/ xa, đèn báo hãm, đèn soi biển số,….
- Đầy đủ các hệ thống đảm bảo an toàn như: giảm khói, giảm thanh, đảm bảo tiếng ồn,… theo đúng quy định.
- Âm lượng của còi xe được chỉnh đúng theo quy định kỹ thuật.
- Tổng quan tất cả các bộ phận phải đảm bảo độ bền và khả năng vận hành ổn định để đảm bảo an toàn của người điều khiển và vượt qua đợt tổng kiểm soát phương tiện giao thông trên đường bộ của các cán bộ Công An.
Trên thực tế, khi di chuyển trên đường thì bạn vẫn có thể bị phạt hành chính hoặc bị áp dụng các hình phạt khác. Vì thế, để bạn đọc hiểu hơn về các mức hình phạt thì chúng tôi đã tổng hợp những điều luật có liên quan ở phần bên dưới.
5. Mức hình phạt quy định khi vi phạm
Điều 19. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không có kính chắn gió hoặc có nhưng vỡ, không có tác dụng (đối với xe có thiết kế lắp kính chắn gió).
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số đèn báo hãm, đèn tín hiệu, cần gạt nước, gương chiếu hậu, dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, đồng hồ báo áp lực hơi, đồng hồ báo tốc độ của xe hoặc có những thiết bị đó nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế (nếu có quy định phải có những thiết bị đó);
b) Điều khiển xe không có còi hoặc có nhưng còi không có tác dụng;
c) Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh hoặc có nhưng không đúng quy chuẩn kỹ thuật.
3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không đủ hệ thống hãm hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật;
b) Hệ thống chuyển hướng của xe không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật;
c) Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng;
d) Điều khiển xe không lắp đủ bánh lốp hoặc lắp bánh lốp không đúng kích cỡ hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật;
đ) Tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe; tự ý lắp thêm ghế trên xe vận chuyển khách.
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có Giấy đăng ký xe, đăng ký rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc theo quy định;
b) Không gắn biển số (nếu có quy định phải gắn biển số);
c) Không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy định phải kiểm định) hoặc có nhưng đã hết hạn (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
d) Điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định;
đ) Điều khiển xe lắp thêm đèn chiếu sáng về phía sau xe.
5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép;
b) Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (nếu có quy định về niên hạn sử dụng);
c) Điều khiển loại xe tự sản xuất, lắp ráp (bao gồm cả xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông);
d) Điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp;
đ) Sử dụng Sổ chứng nhận kiểm định, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Vi phạm Khoản 1; Khoản 2; Điểm c, Điểm d, Điểm đ Khoản 3 Điều này bị buộc phải lắp đầy đủ hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, tháo bỏ những thiết bị lắp thêm không đúng quy định;
b) Vi phạm Điểm a, Điểm b Khoản 3 Điều này buộc phải khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày;
c) Vi phạm Điểm d, Điểm đ Khoản 4 Điều này bị tịch thu đèn lắp thêm, còi vượt quá âm lượng và buộc phải lắp còi có âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật;
d) Vi phạm Khoản 4 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày;
đ) Vi phạm Điểm d, Điểm đ Khoản 5 Điều này bị tịch thu Sổ chứng nhận kiểm định, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày;
e) Vi phạm Điểm b, Điểm c Khoản 5 Điều này bị tịch thu phương tiện và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 (sáu mươi) ngày.”
Điều 20. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
1. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng;
b) Gắn biển số không đúng quy định; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng;
c) Điều khiển xe không có đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng.
2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe;
b) Không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn;
c) Không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng;
d) Không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.
3. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có Giấy đăng ký xe theo quy định;
b) Sử dụng Giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp;
c) Không gắn biển số (nếu có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với số hoặc ký hiệu trong Giấy đăng ký; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép;
b) Điều khiển xe tự sản xuất, lắp ráp.
5. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Vi phạm điểm a khoản 2 Điều này bị tịch thu còi;
b) Vi phạm điểm b, điểm c khoản 3 Điều này bị tịch thu Giấy đăng ký, biển số không đúng quy định;
c) Vi phạm điểm a khoản 4 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày;
d) Vi phạm điểm b khoản 4 Điều này bị tịch thu xe và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 (sáu mươi) ngày.
Điều 21. Xử phạt người điều khiển xe thô sơ vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng đối với hành vi không có đăng ký, không gắn biển số (nếu địa phương có quy định đăng ký và gắn biển số).
2. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không có tác dụng;
b) Xe thô sơ chở khách, chở hàng không bảo đảm tiêu chuẩn về tiện nghi và vệ sinh theo quy định của địa phương.
Điều 22. Xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có Giấy đăng ký xe; không gắn biển số đúng vị trí quy định; gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp;
b) Hệ thống hãm hoặc hệ thống chuyển hướng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật;
c) Các bộ phận chuyên dùng lắp đặt không đúng vị trí; không bảo đảm an toàn khi di chuyển;
d) Không có đèn chiếu sáng; không có bộ phận giảm thanh theo thiết kế;
đ) Không có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy định phải kiểm định) hoặc có nhưng đã hết hạn.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Hoạt động không đúng phạm vi quy định;
b) Điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng tự sản xuất, lắp ráp hoặc cải tạo.
3. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Vi phạm điểm b, điểm c khoản 1 Điều này buộc phải khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật;
b) Vi phạm điểm b khoản 2 Điều này bị tịch thu phương tiện.
Điều 23. Xử phạt người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy định về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không đáp ứng yêu cầu về vệ sinh lưu thông trong đô thị.
2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi thải khí thải vượt quá tiêu chuẩn quy định, mùi hôi thối vào không khí.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Để dầu nhờn, hóa chất rơi vãi xuống đường bộ;
b) Chở hàng rời, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường;
c) Lôi kéo đất, cát hoặc chất phế thải khác từ công trình ra đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm rơi, vãi chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đổ rác, phế thải ra đường phố không đúng quy định.
6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Vi phạm khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này buộc phải khắc phục vi phạm, thu dọn vật liệu, rác, chất phế thải và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường;
b) Vi phạm khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày.
Khi nắm được cụ thể từng điều khoản quy định của pháp luật thì bạn hoàn toàn có thể tránh được các lỗi khi tham gia giao thông. Trong một số trường hợp hi hữu, nếu bạn bị phạt thì cũng có thể biết được người làm nhiệm vụ có thực hiện đúng theo quy định hay không.
Trên đây là một số nội dung cơ bản về phương tiện giao thông đường bộ mà bạn đọc nên biết. Khi nắm rõ phương tiện của mình và các điều khoản quy định thì bạn hoàn toàn có thể tự tin di chuyển an toàn trên đường. Hy vọng bài viết đã mang lại thông tin hữu ích cho bạn đọc.
>>> Xem thêm:
ĐĂNG KÝ HỌC LÁI VÀ THAM KHẢO GIÁ HÃY GỌI NGAY:
FORM ĐĂNG KÝ NHẬN BÁO GIÁ TƯ VẤN HỌC LÁI XE Ô TÔ: