7 kinh nghiệm “xương máu” để không đạp nhầm chân ga

Đạp nhầm chân ga là sai lầm có thể xảy ra ở cả tài mới lẫn tài cũ lâu năm, nhiều kinh nghiệm. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến tài xế đạp nhầm chân ga, tuy nhiên khi đã điều khiển phương tiện tham gia giao thông, mỗi người đều phải chủ động loại bỏ mọi nguyên nhân chủ quan có thể dẫn đến tai nạn giao thông. Bài viết dưới đây là tổng hợp 4 nguyên nhân chính khiến người lái dễ nhầm lẫn chân ga và chân phanh cũng như 7 kinh nghiệm “xương máu” mà cả tài mới lẫn tài cũ đều cần phải áp dụng. Cùng Thái Việt tìm hiểu ngay nhé!

kinh nghiem khong dap nham chan ga

1. 4 nguyên nhân khiến tài xế dễ nhầm lẫn chân ga và chân phanh

Có nhiều nguyên nhân khiến tài xế đạp nhầm chân ga gây tai nạn nguy hiểm. Dưới đây là 4 nguyên nhân cơ bản nhất mà Thái Việt tổng hợp và gửi đến bạn.

1.1. Tư thế ngồi sai

Nhiều tài xế có tư thế ngồi không chuẩn khi lái xe số tự động, cố gắng để dùng chân phải giữ ga còn chân trái rà phanh. Tuy nhiên, tư thế này khiến tài xế rất mỏi, không chỉ ảnh hưởng xấu đến cấu trúc xương, dễ để lại những biến chứng lâu dài cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng trong quá trình sử dụng ga và phanh. Tư thế sai khiến người lái không thoải mái, bị vướng bởi tay lái nên không đủ lực để đạp phanh trong tình huống khẩn cấp, hơn hết còn có thể nhầm lẫn giữa chân ga và phanh.

1.2. Hoảng loạn dẫn đến mất kiểm soát

Nhiều tài xế, đặc biệt là tài mới hoặc những người lớn tuổi khi lái xe thường có tâm lý không ổn định bằng những tài xế lâu năm, đảm bảo sức khỏe và độ tuổi phù hợp để lái xe. Ngoài ra, phụ nữ cũng có tâm lý yếu hơn nam giới, dễ bị mất cân bằng hay mất kiểm soát dẫn đến hoảng loạn, xử lý tình huống không tốt. Sự mất bình tĩnh là đại kỵ của người lái xe bởi trong trạng thái này, mọi hành động đều bị mất kiểm soát, dễ để lại những hậu quả nghiêm trọng. Một trong số những sai lầm thường thấy nhất chính là việc đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh trong tình huống nguy hiểm.

Bên cạnh đó, nhiều tài mới với kinh nghiệm lái xe chưa nhiều thường có tâm lý lo lắng, căng thẳng, dễ mất bình tĩnh hơn khi gặp tình huống bất ngờ cần xử lý. Trong khi bối rối, tài xế rất có thể sẽ nhầm lẫn giữa chân ga và chân phanh khiển xe bất ngờ vọt về phía trước gây nguy hiểm.

kinh nghiem khong dap nham chan ga 1
Hoảng loạn, mất bình tĩnh có thể là nguyên nhân khiến bạn đạp nhầm chân ga

1.3. Nhấc hẳn chân lên khi chuyển giữa chân ga và chân phanh

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất khi lái xe ô tô là không rời gót chân khỏi sàn xe khi chuyển ga và phanh trong bất kỳ tình huống nào. Không chỉ tài mới mà một số tài xế lâu năm, dày dặn kinh nghiệm đôi khi cũng mắc phải lỗi này. Việc nhấc hẳn chân lên khi chuyển giữa chân ga và chân phanh khiến người lái rất dễ bị nhầm lẫn giữa hai bên, từ đó đạp nhầm chân ga thay vì đạp chân phanh như dự định.

1.4. Chủ quan

Chủ quan là vấn đề dễ xảy ra ở những tài xế lâu năm khi điều khiển xe ô tô. Sự chủ quan thể hiện qua việc tài xế vẫn cài số D khi dừng xe tạm thời, chỉ chuyển sang giữ chân phanh để xe dừng lại. Trong lúc này, nếu tài xế mỏi chân, dùng lực không đủ hay vô tình mất tập trung mà rời chân phanh, đến lúc nhận ra sẽ dễ bị giật mình, vội vàng đạp chân phanh nhưng lại nhầm sang chân ga, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

Bên cạnh đó, một số tài xế lâu năm thường có tâm lý chủ quan dẫn đến lơ đễnh, cẩu thả trong quá trình điều khiển phương tiện. Sự thiếu cảnh giác và mất tập trung này khiến tài xế dễ dàng bị nhầm lẫn khi xảy ra tình huống bất ngờ.

2. Hậu quả của việc đạp nhầm chân ga có thể nghiêm trọng đến mức nào?

Hậu quả của việc đạp nhầm chân ga phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như: tình hình và mật độ giao thông thực tế, lực đạp chân ga, khả năng xử lý tình huống lúc đó của mỗi tài xế,… Tuy nhiên, việc gây ra tai nạn, thiệt hại về tài sản hay con người là rất dễ xảy ra. Một số hậu quả nghiêm trọng đáng bận tâm như:

  • Xe tăng tốc nhanh chóng một cách bất ngờ khiến tài xế hoảng loạn, không kịp xử lý tình huống ngay sau đó.
  • Tài xế mất kiểm soát đối với phương tiện, không thể dừng xe kịp thời theo như ý muốn.
  • Gây nguy hiểm khó lường đến sức khỏe và tính mạng cho bản thân cũng như những người tham gia giao thông khác.
  • Gây thiệt hại đáng kể về tài sản cho chủ xe và người không may bị va chạm.
  • Mang đến gánh nặng tài chính và tổn thương tâm lý lớn cho các bên liên quan trong vụ tai nạn.
  • Trong trường hợp người bị va chạm tuân thủ quy định của luật giao thông thì lỗi sai của tài xế sẽ rất nặng, tùy thuộc vào tình hình thương tật do vụ tai nạn gây ra mà sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
hau qua khi dap nham chan ga
Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra do tài xế đạp nhầm chân ga

3. Bỏ túi ngay 7 kinh nghiệm giúp bạn không đạp nhầm chân ga

Sự cố và nhầm lẫn là điều mà khó ai có thể tránh khỏi, kể cả là những tài cứng lâu năm. Tuy nhiên, để hạn chế nhất rủi ro xảy ra, tài xế phải trang bị cho mình những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết. Việc chủ động loại bỏ các nguyên nhân chủ quan giúp bạn trở thành một người lái xe giỏi và an toàn. Dưới đây là 5 nguyên tắc mà bất cứ tài xế nào cũng phải tuân thủ khi lái xe ô tô:

3.1. Nằm lòng vị trí của chân ga và chân phanh

Để không nhầm lẫn, việc đầu tiên bạn cần làm là luôn luôn nhớ rõ vị trí của chân ga và chân phanh. Bạn nên dành nhiều thời gian tập lái xe để hình thành phản xạ tự nhiên cho chân ga và chân phanh, tránh việc đắn đo hay suy nghĩ lâu khiến bạn không kịp xử lý tình huống. Tùy thuộc vào loại xe mà bạn điều khiển, vị trí của chân ga, phanh và côn (nếu có) sẽ khác nhau, cụ thể như sau:

  • Xe số sàn: Bao gồm chân ga, chân côn và chân phanh. Người lái sẽ điều khiển xe bằng cả hai chân. Chân phải dùng để đạp chân ga và phanh, chân trái dùng để đạp côn. Đối với chân điều khiển ga và phanh, chân ga nằm bên phải, còn chân phanh nằm bên trái. Như vậy, theo thứ tự từ trái sang thì sẽ là chân côn, chân phanh (nằm ở giữa) và chân ga.
  • Xe số tự động: Chỉ gồm chân phanh và chân ga. Do đó mà người lái chỉ điều khiển xe bằng một chân. Tính từ bên trái sang theo hướng của người lái thì chân phanh nằm bên trái còn chân ga nằm bên phải.

3.2. Trả về số P hoặc số N khi đỗ xe hoặc dừng trong thời gian ngắn

Đây là nguyên tắc giúp tài xế loại bỏ sự chủ quan trong khi điều khiển phương tiện. Khi dừng xe tạm thời, người lái nên chuyển về số N và kéo phanh tay để xe dừng hẳn. Khi muốn dừng lâu hoặc đỗ xe trong thời gian dài, tài xế nên chuyển về số P đồng thời không quên kéo phanh tay để đảm bảo an toàn. Bất kỳ ai khi học lái xe ô tô cũng nên lưu ý thao tác này để hình thành thói quen tốt giúp điều khiển xe đúng cách và không gây nguy hiểm.

3.3. Sử dụng giày dép và trang phục phù hợp

Chị em phụ nữ thường yêu thích những đôi giày cao gót cùng trang phục theo nhiều phong cách khác nhau. Tuy nhiên, giày cao gót là đại kỵ khi lái xe bởi đôi giày này khiến bạn khó cảm nhận chân ga và chân phanh cũng như không thể áp dụng nguyên tắc “Rời chân ga, rà chân phanh”. Thêm vào đó, không phải trang phục nào cũng phù hợp để lái xe, nhất là những bộ quần áo rườm rà, có nhiều phụ kiện dễ gây vướng víu và nhầm lẫn khi thao tác. 

Có một số người còn nhầm lẫn khi cho rằng có thể điều khiển xe với chân trần không mang giày dép. Nhiều chị em mang cao gót sẽ tháo giày và đi chân trần khi điều khiển xe. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm bởi chân trần dễ bị tổn thương, đồng thời cũng khiến tài xế không đủ lực khi đạp ga và phanh dẫn đến nguy hiểm.

khong mang giay cao got khi lai xe o to
Giày cao gót khiến phụ nữ dễ nhầm lẫn chân ga và chân phanh khi lái xe

3.4. Quy tắc “Rời chân ga, rà chân phanh”

Quy tắc “Rời chân ga, rà chân phanh”, hay dễ hiểu hơn là tại xế cần luôn luôn tì gót chân phải lên sàn xe trong suốt quá trình di chuyển. Đặc biệt là khi điều khiển xe số tự động, tài xế cần thoải mái với việc chỉ sử dụng chân phải, còn chân trái để ở trạng thái thoải mái và rảnh rỗi, hạn chế gồng chân phải quá nhiều dễ gây mệt mỏi, mất tập trung.

Hướng dẫn cụ thể cho quy tắc này như sau:

  • Tư thế chuẩn bị trước khi khởi động xe và di chuyển của tài xế chính là chân phải đặt gần chân phanh. Nhấc mũi chân lên để xoay hướng về chân ga hoặc chân phanh, trong khi đó vẫn luôn tì gót chân dưới sàn để làm điểm tựa.
  • Trong khi di chuyển, tài xế linh hoạt thay đổi hướng của mũi chân phải theo hình chữ V để đạp ga hoặc phanh tùy vào tình huống. Tập thành phản xạ cho chân phải khi rời ga sẽ ngay lập tức rà vào chân phanh để kịp thời giảm tốc hoặc dừng xe khi cần thiết.

3.5. Giữ trạng thái tỉnh táo, sẵn sàng xử lý mọi tình huống

Tránh xa rượu, bia, đồ uống có cồn hay chất kích thích là quy định của pháp luật giúp tài xế giữ trạng thái tỉnh táo khi điều khiển xe. Đồng thời, người lái cũng cần chủ động tránh xa mọi nguyên nhân có thể gây xao nhãng, mất tập trung như điện thoại, ăn uống, trang điểm,… tập trung mọi sự chú ý vào việc quan sát và điều khiển phương tiện. Mọi tình huống đều có thể xảy ra khi bạn lái xe. Chính vì vậy mà tâm lý sẵn sàng ứng phó với những tình huống bất ngờ sẽ giúp bạn tự tin điều khiển phương tiện an toàn.

3.6. Chỉ sử dụng một chân để đạp ga và phanh

Nguyên tắc này là dành cho những tài xế có tư thế ngồi sai khi lái xe. Thiết kế của nhà sản xuất đã tối ưu để tài xế sử dụng chân phải cho cả ga và phanh. Tuyệt đối không cố gắng dùng cả hai chân để điều khiển làm mất trạng thái thoải mái, từ đó dễ gây ra tai nạn do đạp nhầm chân ga.

3.7. Làm quen với xe khi điều khiển xe lạ

Khi điều khiển xe lạ, nhất là sự thay đổi giữa xe số sàn và số tự động, tài xế cần dành thời gian làm quen với các bộ phận trên xe. Khi bắt đầu đi, tài xế nên lái với tốc độ chậm để quen với hệ thống lái cũng như ga và phanh trên xe. Đây là việc làm cần thiết giúp người lái thích nghi với chiếc xe mình đang điều khiển, hạn chế mọi rủi ro có thể xảy ra.

can hoc lai xe truoc khi thuc hanh lai xe
Tài xế nên dành thời gian để làm quen với xe lạ trước khi điều khiển xe tham gia giao thông

Đạp nhầm chân ga là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra những vụ tai nạn kinh hoàng đầy thương tâm. Hậu quả để lại của tai nạn giao thông là không thể lường trước được, chính vì vậy mà mỗi tài xế phải chủ động loại bỏ mọi nguyên nhân chủ quan có thể gây nhầm lẫn, đồng thời khi lái xe phải luôn luôn tuân thủ những nguyên tắc nêu trên, hạn chế nhất rủi ro xảy ra sự cố đạp nhầm chân ga.

 

ĐĂNG KÝ HỌC LÁI VÀ THAM KHẢO GIÁ HÃY GỌI NGAY:

FORM ĐĂNG KÝ NHẬN BÁO GIÁ TƯ VẤN HỌC LÁI XE Ô TÔ: 


    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *